“Tôi kể bạn nghe” là series bài viết được gửi về từ du học sinh IDP tại Anh. Khai thác góc nhìn từ chính du học sinh Anh, mỗi câu chuyện sẽ gửi gắm những kinh nghiệm “dắt túi” trên hành trình 5763 dặm đến với Vương quốc Anh.

“Khi du học, tất nhiên chữ “học” là mục đích chính của mỗi du học sinh. Thu thập kiến thức và sở hữu một tấm bằng giá trị ắt hẳn là mục tiêu lớn của phần đa du học sinh khi tới Anh. Song, bên ngoài khung cửa sổ phòng học vẫn luôn có một cuộc sống đa sắc màu và bạn bè là một mảng màu quan trọng trong bảng màu cuộc sống, nhất là khi đi học xa nhà, khi gia đình không còn ở bên cạnh.

Kết bạn là một trong những nhu cầu của con người. Tuỳ vào mức độ cần thiết của mỗi cá nhân mà sự ưu tiên dành cho nó được đặt ở các mức độ khác nhau. Trên phương diện của một du học sinh bậc thạc sĩ, về cơ bản, quan hệ bạn bè của du học sinh sẽ có 2 nhóm chính: mối quan hệ bạn bè sẵn có tại Việt Nam – bạn lâu năm, bạn đại học, đồng nghiệp… và những người bạn mới sau khi đặt chân sang Anh. Việc duy trì mối quan hệ sẵn có sẽ được tạm gác sang một bên. Trong bài viết này, mình sẽ chia sẻ về việc tạo dựng các mối quan hệ mới khi đi học.

Bạn bè có thể sẽ tới từ khắp nơi, và điều này được khẳng định rõ ràng hơn khi bạn đi du học. Ngày đầu tiên tới giảng đường, sẽ không khó để nhận ra “đồng môn”sắp tới của mình đến từ hàng chục quốc gia khác nhau, nền tảng công việc khác nhau và hơn thế nữa. Không chỉ gói gọn lại đó, càng tham gia nhiều công việc, càng có nhiều cơ hội để bạn quen thêm những con người mới và tỉ lệ có thêm những người bạn mới sẽ tăng lên. Từ những việc đơn giản như đi thư viện, đi pub, xem một trận bóng đá hay tham gia sự kiện… Cơ hội để kết bạn luôn ở đó, quyết định nắm lấy hay không là ở bản thân mỗi người.

Bạn cần bạn bè để làm gì? Để tâm sự, để chia sẻ, nương tựa vào nhau về mặt tinh thần. Hay bạn cần những người bạn có thể đồng hành với bạn trong những dự án, trong sự nghiệp sắp tới? Thực chất, không có một giới hạn nào cho việc này. Có những người bạn tưởng chừng đang theo học và làm việc ở một lĩnh vực hoàn toàn khác với chính bạn nhưng biết đâu lại có thể kết nối và bắt tay tạo ra kỳ tích. Đối với những câu hỏi và lĩnh vực thiên về tình cảm như này, lắng nghe và làm theo cảm tính một chút, xem chừng bạn sẽ đưa ra câu trả lời thích hợp.

Có duyên, khéo léo, biết lắng nghe, biết chia sẻ,… Đó thường là những câu trả lời mà bạn nhận được. Và quả thực là nó đúng. Nhiều luồng ý kiến khác cũng chỉ ra, bạn hãy là chính bạn, rồi sẽ có những người thực sự hiểu và chấp nhận bạn. Điều này cũng không sai. Nhưng có một điều nên nhớ rằng, mỗi một cá thể luôn tồn tại những điều khác biệt, không có ai là giống ai toàn vẹn. Mong đợi vào một người bạn tri kỉ, sẵn sàng hiểu bạn và chấp nhận bạn trên mọi phương diện là một điều khá xa vời và phi thực tế. Đặc biệt là khi bạn đi du học, tiếp xúc với nhiều nền văn hoá khác nhau.

Cởi mở và chấp nhận cái mới, cái khác của đối phương có lẽ sẽ là sự lựa chọn khôn ngoan và hiệu quả nếu muốn cộng đồng mới chấp nhận bạn. Bạn có thể chơi theo cách của bạn, tuỳ bạn thôi, nhưng nên nhớ rằng bạn đang không chơi ở sân nhà. Tôn trọng nên là tôn chỉ của bản thân khi tiếp xúc với mọi người, tôn trọng chính bản thân và tôn trọng những người đối diện. Lúc này, mọi khả năng đặc biệt của bạn, niềm yêu thích hay mối bận tâm chính là những chủ đề dễ bộc lộ nhất. Nếu bạn cảm thấy bản thân “hơi thiếu muối” và ngại ngùng, hãy tự trau dồi bản thân hơn bằng cách đọc nhiều hơn và tiếp xúc với nhiều người hơn nữa.

“Trăm hay không bằng tay quen”, kể cả có thất bại bằng việc tự làm xấu hổ bản thân trước mặt người khác vài lần thì cũng không sao. Điều tồi tệ có thể xảy đến là bạn sẽ xuất hiện trong một vài câu chuyện cười sau này mà thậm chí bạn còn chẳng phải nghe. Vậy nên, mạnh dạn và thể hiện bản thân mình, tự thoát ra khỏi cái vỏ bọc là cách để bạn có thể chủ động tìm đến những mối quan hệ mới. Học cách tôn trọng người khác ngay cả khi những điều họ làm không cùng quan điểm với bạn. Nhưng, không nên gò bó và ép buộc bản thân vào những mối quan hệ bạn bè khiến bạn mệt mỏi hoặc không cảm thấy phù hợp. Biết rằng mình là ai, mình ở đâu để có thể có những mối quan hệ như ý.

Một cốc bia, một tách cà phê hay một ấm trà sẽ lý tưởng để “break the ice”. Bước gần như quan trọng nhất để kết bạn chính là tiếp cận. Một cốc bia sau giờ lên lớp cùng bạn học hay đi club vào buổi tối là cách mà các sinh viên trên 18 tuổi tại đây thường làm. Sinh viên thường tụ tập vào các buổi chiều sau giờ học, trước bữa tối hoặc buổi đêm. Gần như không tồn tại quán xá vỉa hè nên những quán cà phê hay quán rượu sẽ là tụ điểm ưa thích của mọi người. Nếu đi club, nhóm bạn sẽ tụ tập tại một điểm trước và tổ chức “pre-drinks”. Tại “pre-drinks”, mọi người sẽ nói chuyện gần gũi hơn trước khi tới club, một phần để tiết kiệm, một phần khác là vì không ai có thể gào lên át được tiếng nhạc trong club.

Bài viết liên quan

Trả lời